4 thói quen tài xế nên bỏ ngay nếu không muốn phanh ô tô nhanh xuống cấp

  • 4 thói quen tài xế nên bỏ ngay nếu không muốn phanh ô tô nhanh xuống cấp

    Dù chỉ là những thói quen tưởng chừng vô hại của tài xế, tuy nhiên nếu không thay đổi, về lâu dài, hệ thống phanh ô tô sẽ nhanh bị xuống cấp, hư hỏng.

    Tương tự như động cơ, hệ thống phanh cũng là bộ phận đóng vai trò quan trọng trên ô tô. Bởi không chỉ giúp điều khiển xe hoạt động theo ý muốn, hệ thống này còn quyết định đến sự an toàn của tài xế và người ngồi trên xe. Chính vì vậy, việc duy trì sự ổn định của phanh xe là việc làm hết sức quan trọng.

    Mặc dù vậy, có một thực tế hiện nay rất nhiều tài xế lại rất ít quan tâm đến “sức khỏe” của hệ thống phanh, hoặc thường xuyên duy trì những thói quen lái xe không đúng cách, gây tổn hại và làm giảm tuổi thọ của hệ thống phanh. Dưới đây là 4 thói quen tài xế nên bỏ ngay nếu không muốn phanh ô tô mau xuống cấp.

    Phanh ‘mọi lúc mọi nơi’

    Thói quen đầu tiên và thường thấy nhất với nhiều tài xế hiện nay gây ảnh hưởng đến hệ thống phanh chính là sử dụng phanh một cách tùy tiện. Theo đó, rất nhiều người có thói quen giẫm chân lên bàn đạp phanh liên tục. Điều này khiến cho phanh thường xuyên phải chịu một áp lực lớn và nhanh hỏng hơn.

    4 thói quen tài xế nên bỏ ngay nếu không muốn phanh ô tô mau xuống cấp - Ảnh 1.

    Sử dụng phanh một cách lạm dụng là thói quen của rất nhiều tài xế ô tô

    Bên cạnh đó, việc lạm dụng phanh còn thể hiện qua cách lái xe. Nhiều tài xế vì vội vàng hoặc tính cách thiếu điềm đạm, hay lái xe di chuyển với tốc độ cao, đồng thời thường hãm tốc hoặc dừng đột ngột bằng cách đạp phanh gấp. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến phanh xe nhanh bị hao mòn nhất.

    Ngoài ra, trong một vài trường hợp đặc biệt như lái xe đổ dốc, đổ đèo. Không ít tài xế hoặc vì thiếu kĩ năng hoặc vì thiếu kinh nghiệm, thường hay rà phanh để duy trì tốc độ. Thói quen này có thể khiến hệ thống phanh bị nóng, cong vênh má phanh (phanh đĩa) hoặc trống phanh (phanh tang trống). Thậm chí, việc lạm dụng phanh này còn rất nguy hiểm, nhiều trường hợp khiến phanh bị cháy, mất tác dụng dẫn đến tai nạn.

    Sử dụng phanh tay không đúng cách

    Bên cạnh lạm dụng phanh, việc sử dụng phanh (đặc biệt là phanh tay) không đúng cách cũng là thói quen gây tổn hại cho hệ thống phanh trên ô tô. Cụ thể, không ít trường hợp các tài xế vội vàng kéo phanh tay khi xe chưa dừng hẳn. Điều này khiến phanh phải chịu tác động lực từ phía bánh sau. Về lâu dài sẽ khiến hệ thống phanh giảm tuổi thọ.

    4 thói quen tài xế nên bỏ ngay nếu không muốn phanh ô tô mau xuống cấp - Ảnh 2.

    Việc sử dụng sai cách cũng khiến phanh tay trên ô tô nhanh hư hỏng

    Ngoài ra, việc thường xuyên quên hoặc hạ chưa hết phanh tay nhưng đã cho xe di chuyển cũng là tác nhân khiến má phanh có nguy cơ bị cháy, các hệ thống cảm biến gắn trên cụm phanh như hệ thống chống bó cứng phanh ABS cũng có thể bị hỏng. Mặc dù vậy, hiện nay nhiều dòng xe đã trang bị hệ thống phanh tay điện tử, giúp hạn chế nguy cơ hư hại với hệ thống phanh do thói quen sử dụng phanh tay như kể trên.

    Chở quá tải

    Một nguyên nhân khác cũng “tàn phá” hệ thống phanh là ô tô thường xuyên chở nặng, quá tải trọng. Điều này thực tế không quá khó lý giải. Bởi khi xe chở nặng và di chuyển với tốc độ cao, lực quán tính sẽ rất lớn. Trường hợp tài xế phanh gấp, hệ thống phanh làm việc “vất vả” hơn, ma sát nhiều hơn để giảm tốc độ. Chính vì vậy, phanh sẽ nhanh xuống cấp, hư mòn hơn.

    4 thói quen tài xế nên bỏ ngay nếu không muốn phanh ô tô mau xuống cấp - Ảnh 3.

    Chở quá tải và thường xuyên sử dụng phanh trong quá trình di chuyển cũng là nguyên nhân khiến hệ thống phanh xuống cấp nhanh

    Không “chăm sóc” tốt cho phanh

    Cuối cùng, một thói quen nữa khiến hệ thống phanh nhanh hư hỏng, xuống cấp đến từ thái độ “thờ ơ” của chủ xe. Trong đó, phổ biến nhất là việc quên thay dầu phanh. Điều này có thể làm hỏng dây phanh. Dầu phanh cũ có thể đường phanh và pít-tông bị ăn mòn, dẫn đến hiệu quả của phanh kém đi, thậm chí bị mất phanh.

    4 thói quen tài xế nên bỏ ngay nếu không muốn phanh ô tô mau xuống cấp - Ảnh 4.

    Bên cạnh thay dầu, phanh xe cũng cần bảo dưỡng, kiểm tra nhiều chi tiết khác

    Bên cạnh đó, nhiều người hay nhầm rằng việc bảo dưỡng, chăm sóc phanh chỉ đơn giản là thay dầu phanh đúng định kỳ là xong. Tuy nhiên, trên thực tế phanh ô tô cần được bảo dưỡng nhiều “hạng mục” khác để có thể phát hiện lỗi trên hệ thống, tránh nguy cơ má phanh bị kẹt, phanh không hoạt động theo đúng ý người lái…


0 comment

Leave a reply

Liên hệ