90% bạn đọc đồng ý cần có giới hạn nồng độ cồn khi lái xe

  • 90% bạn đọc đồng ý cần có giới hạn nồng độ cồn khi lái xe

    90% bạn đọc đồng ý cần có giới hạn nồng độ cồn khi lái xe

    Đó là kết quả Thăm dò bạn đọc về việc Bộ Y tế đang lấy ý kiến chuyên gia, đơn vị chuyên môn từ khía cạnh y tế về nồng độ cồn phát hiện trong cơ thể không do sử dụng rượu, bia; các giới hạn nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người lái xe.

    Tài xế T., lái xe buýt nhưng có nồng độ cồn, làm việc với cảnh sát giao thông sau khi bị phát hiện vi phạm - Ảnh: Công an cung cấp

    Tài xế T., lái xe buýt nhưng có nồng độ cồn, làm việc với cảnh sát giao thông sau khi bị phát hiện vi phạm – Ảnh: Công an cung cấp

    Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế vừa có công văn gửi các chuyên gia, một số đơn vị chuyên khoa, đề nghị nghiên cứu, đề xuất về vấn đề nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển các phương tiện giao thông.

    Bộ Y tế lấy ý kiến về giới hạn nồng độ cồn khi lái xe

    Việc đề xuất được căn cứ từ khía cạnh y tế như nồng độ cồn phát hiện trong cơ thể không do sử dụng rượu, bia; giới hạn nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông.

    Đừng để phạt oan khi nồng độ cồn tuyệt đối

    Rất nhiều bạn đọc ủng hộ việc Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến giới hạn nồng độ cồn thay vì cứ có ‘tí rượu bia’ khi lái xe là bị phạt.

    – Tôi tin rằng mọi người dân đều ủng hộ phải xử lý thật nặng, thật nghiêm những trường hợp uống bia rượu say xỉn vẫn cố ý lái xe.

    Và giờ thì ngành y tế đã thừa nhận có trường hợp “nồng độ cồn phát hiện trong cơ thể không do sử dụng rượu, bia”. Vì thế, luật cũng phải căn cứ trên khoa học để tránh phạt oan đối với những người hoàn toàn không uống bia rượu mà vẫn có “nồng độ cồn tự thân” như do chuyển hóa trong cơ thể hoặc do ăn uống hay dùng thuốc trị bệnh…

    Nghiêm nhưng phải đúng thì mới tạo được sự tin tưởng và đồng thuận trong xã hội.

    (Bạn đọc Ba Saigon)

    – Vấn đề mọi người quan tâm là nồng độ cồn trong khí thở hay trong máu ở mức độ nào thì có thể gây ra tai nạn giao thông.

    Tin tưởng rằng những ý kiến đề xuất của các chuyên gia, một số đơn vị chuyên khoa về vấn đề nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển các phương tiện giao thông lần này hoàn toàn thật sự trên nền tảng cơ sở khoa học vững chắc. Nếu những ý kiến khoa học này có trái với các luật hiện hành thì đề nghị sửa luật chứ không phải đo ni đóng giày.

    (Bạn đọc 5 Mì Lát)

    – Cần phải xem xét và nên có giới hạn phù hợp, bởi có nhiều trường hợp không sử dụng bia rượu nhưng có uống một số loại thuốc hoặc nước ép trái cây lên men… vẫn đo lên nồng độ cồn thì quá oan.

    (Bạn đọc LP)

    – Không thể nói ngưỡng bằng 0 là phù hợp với bối cảnh hiện nay của Việt Nam. Nói như thế là không quan tâm đến các trường hợp có thể bị phạt oan do hơi thở có nồng độ cồn (rất nhỏ) nhưng không do uống rượu bia. Do đó việc Bộ Y tế tổng hợp ý kiến của các nhà chuyên môn về ngưỡng nồng độ cồn là rất đáng hoan nghênh.

    (Bạn đọc Yêu Sài Gòn)

    Cần lấy ý kiến người dân về giới hạn nồng độ cồn

    Một số bạn đọc cho rằng Bộ Y tế ngoài lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học còn cần lấy ý kiến người dân về giới hạn nồng độ cồn

    – Bộ Y tế nên đi vào thực tiễn đời sống để đem lại an toàn tính mạng cho người dân là “đã uống rượu bia là không lái xe” chứ vin vào lý thuyết hàn lâm tranh luận chỉ làm khổ cho dân.

    (Bạn đọc vant****@gmail.com)

    – Quy định quan trọng ảnh hưởng tới hàng triệu người và ngành kinh tế cần được tham khảo luật pháp quốc tế và lấy ý kiến người dân. Mức phạt cũng căn cứ vào nồng độ cồn cao thấp và tạo điều kiện cho người lao động có thu nhập thấp hiện nay đóng phạt…

    (Bạn đọc Pham Van Binh)

    – Cần phải có báo cáo rõ ràng bao gồm: Tình hình tai nạn giao thông sau những tháng cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn vừa qua (số liệu rõ ràng), ảnh hưởng đến kinh tế, nghiên cứu về ảnh hưởng hành vi của rượu bia với từng mức nồng độ và các luật tham khảo từ những nước phát triển tương đồng khác.

    Hy vọng các bộ ngành có câu trả lời bằng báo cáo để xác định luật phù hợp, người dân đồng tình.

    (Bạn đọc Nguyen Gia Khiem)

    – Tôi thấy tăng nặng mức phạt theo 3 trường hợp vi phạm nồng độ cồn: tối thiểu, trung bình và tối đa. Ở mức tối thiểu, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt tiền cao gấp đôi mức cũ, tạm giữ bằng lái nhưng không tạm giữ phương tiện.

    Vi phạm nồng độ cồn ở mức trung bình phạt tiền gấp ba mức cũ, tạm giữ bằng lái và phương tiện.

    Ở mức nồng độ tối đa nhưng vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì đó chính là tội ác. Nên tạm giữ phương tiện, giấy tờ và cả chủ phương tiện, đồng thời truy cứu trách nhiệm hình sự.

    Cả ba trường hợp trên đều có thể truy cứu hình sự nếu người điều khiển phương tiện gây tai nạn. Truy cứu hình sự nếu tái phạm nhiều lần.

    (Bạn đọc Toàn Nguyễn)


0 comment

Leave a reply

Liên hệ