-
Ô tô bị ‘bồng bềnh’: Nguyên nhân do đâu, khắc phục thế nào?
Áp suất lốp không phù hợp, thành lốp mỏng hay hệ thống giảm xóc yếu, kém chất lượng… thường dẫn đến tình trạng ô tô bị “bồng bềnh”, không ổn định khi vận hành.
Không ít trường hợp, khi lái ô tô di chuyển trên đường, người lái hay cả người ngồi ở các vị trí ghế trên xe có cảm giác khó chịu, bất an khi nhận thấy xe bị “bồng bềnh”, thậm chí chao đảo, rung lắc. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này? Và làm thế nào để hạn chế, khắc phục?
Ô tô bị “bồng bềnh” do đâu?
Khi ô tô di chuyển, bánh xe chính là bộ phận tiếp xúc và tương tác trực tiếp với mặt đường. Chính vì vậy, nguyên nhân dẫn đến tình trạng xe bị “bồng bềnh” trước hết cũng sẽ bắt nguồn từ bộ phận này. Tuy nhiên, liên quan đến bánh xe cũng có nhiều chi tiết cần xem xét.
Trong đó, theo nhiều chuyên gia, thành lốp là chi tiết đầu tiên phải kể đến khi “bắt bệnh” cho ô tô bị “bồng bềnh”. Bởi lẽ, thành lốp là bộ phận chịu gần như toàn bộ trọng lượng của xe. Do đó, nếu quá mỏng bộ phận này sẽ dễ bị xô lệch khi xe di chuyển trên đường. Từ đó dẫn đến việc nhiều ô tô gặp phải hiện tượng “bồng bềnh, chao đảo”.
Tiếp đến, liên quan đến bánh xe, áp suất lốp cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến việc xe bị “bồng bềnh” lúc di chuyển. Cụ thể, nếu bơm quá non, áp suất lốp thấp hơn mức khuyến cáo của nhà sản xuất sẽ khiến xe gặp phải tình trạng nói trên. Không những vậy, trong những trường hợp ô tô đi trên đường gập ghềnh, nhiều ổ gà có thể dẫn đến hiện tượng dằn xóc, gây khó chịu cho người trên xe và khiến lốp dễ bị hư hại. Thậm chí lâu ngày, việc thiếu áp suất lốp còn dẫn đến tình trạng xe bị mất thăng bằng, lệch lái.
Cuối cùng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng xe bị “bồng bềnh” cũng có thể đến từ bộ phận giảm xóc. Điều này cũng hoàn toàn có cơ sở, bởi đây chính là bộ phận quan trọng, đóng vai trò giảm xung động, giữ ổn định và cân bằng cho ô tô. Do đó, nếu giảm xóc quá yếu hoặc qua quá trình sử dụng dẫn đến hỏng hóc, giảm tác dụng cũng sẽ dẫn đến tình trạng xe bị chao đảo, chòng chành.
Làm thế nào để xe hết “bồng bềnh”?
Rõ ràng, việc tìm kiếm, xác định nguyên nhân khiến xe bị “bồng bềnh” là hết sức quan trọng. Bởi khi xác định được “nguồn cơn” dẫn đến tình trạng này, người sử dụng xe cũng sẽ dễ dàng đưa ra giải pháp khắc phục, nhằm đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
Trước hết, nếu xác định xe bị “bồng bềnh” do sử dụng lốp xe có thành lốp quá mỏng; giải pháp đơn giản được khuyến cáo là bạn nên xem xét thay một bộ lốp mới có thiết kế thành lốp dày hơn.
Trong khi đó, nếu xe bị “bồng bềnh” do bơm chưa đủ áp suất lốp, người lái cần chủ động bơm thêm theo thông số khuyến cáo, phù hợp với từng mẫu, phiên bản xe.
Cuối cùng, trong trường hợp nặng hơn liên quan đến bộ phận giảm xóc. Do đây là bộ phận khá phức tạp và nằm bên dưới gầm xe, rất khó kiểm tra cụ thể; bạn nên mang xe đến garage hoặc đại lý ô tô để kiểm tra, sửa chữa hoặc thay mới.