-
Những câu hỏi khi xây dựng giáo trình kỹ thuật lái xe trên đường cao tốc phân kỳ
Có thể thấy rằng việc tổ chức giao thông trên “đường cao tốc phân kỳ đầu tư” thực chất không khác đường cao tốc.
Cục Đường bộ vừa có công văn đề nghị các sở giao thông vận tải xây dựng giáo trình kỹ thuật lái xe phù hợp, trong đó có nội dung kỹ thuật lái xe trên cao tốc phân kỳ đầu tư. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, có vài vấn đề cần được xem xét.
Có gì khác về kỹ thuật lái xe?
Luật Giao thông đường bộ chỉ có định nghĩa đường cao tốc, không có khái niệm đường cao tốc phân kỳ đầu tư.
Thông tư số 48/2023/TT-BGTVT quy định phương án tổ chức giao thông trên đường cao tốc phân kỳ đầu tư phải đảm bảo phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ, tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc và gồm 12 nội dung sau:
“a) Vận tốc, tải trọng khai thác trên đường cao tốc;
b) Các loại phương tiện được hoặc không được tham gia lưu thông trên đường cao tốc;
c) Tổ chức phân luồng trên đường cao tốc; đoạn, vị trí được phép vượt xe trên đường cao tốc;
d) Tổ chức giao thông tại các nút giao; vị trí chốt chặn hướng dẫn, xử lý người, phương tiện không được tham gia giao thông trên đường cao tốc;
đ) Tổ chức giao thông khu vực có hầm đường bộ và các trường hợp đặc biệt khác;
e) Biện pháp bảo đảm an toàn giao thông khi cần dừng khẩn cấp trên đường cao tốc;
g) Biện pháp xử lý sự cố, tai nạn giao thông trên đường, công tác bảo đảm giao thông khi xử lý sự cố giao thông, sự cố công trình;
h) Vị trí thiết kế được phép quay đầu xe phục vụ cứu nạn, cứu hộ, phòng cháy chữa cháy, bảo trì, các trường hợp cần thiết phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và các trường hợp bất khả kháng khác; biện pháp bảo đảm an toàn giao thông khi đóng, mở các điểm quay đầu xe,
i) Sử dụng các thiết bị, hệ thống thiết bị phục vụ quản lý, điều hành giao thông, thu thập, lưu trữ, cung cấp, khai thác sử dụng, xử lý thông tin liên quan đến quản lý, điều hành giao thông, xử lý tai nạn, sự cố trên đường cao tốc;
k) Bố trí biển báo tạm thời, hướng dẫn tổ chức giao thông qua khu vực xảy ra sự cố giao thông; khu vực thực hiện bảo trì công trình;
l) Việc dừng, đỗ xe và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông;
m) Các công việc cần thiết khác.”
Có thể thấy rằng việc tổ chức giao thông trên “đường cao tốc phân kỳ đầu tư” thực chất không khác đường cao tốc, từ đó, có khả năng là cũng không khác biệt nhiều về kỹ thuật lái xe.
Cần phải làm rõ được vấn đề này.
Có phải tăng thời lượng môn học?
Trong Giáo trình kỹ thuật lái xe 2018, “3.10. Lái xe trên đường cao tốc” là 1 trong 11 nội dung của “Chương III. Lái xe ô tô trên các loại đường khác nhau”, gồm 3.10.1. Các bước khi lái xe trên đường cao tốc, 3.10.2. Xử lý các tình huống khẩn cấp xảy ra trên đường cao tốc.
Thời lượng do Bộ Giao thông vận tải quy định cho chương III là 4 giờ lý thuyết và 0,5 giờ thực hành, tức 210 phút. Nếu tính trung bình cho cả 11 nội dung thì “Lái xe trên đường cao tốc” sẽ được học trong khoảng 19 phút.
Do đó, để xây dựng “giáo trình kỹ thuật lái xe phù hợp” gồm có nội dung mới là “kỹ thuật lái xe trên cao tốc phân kỳ đầu tư” thì phải lựa chọn một trong hai cách sau:
(1) Giữ nguyên thời lượng, giảm thời gian của các nội dung cũ để đưa thêm nội dung mới vào.
(2) Tăng thời lượng môn học lên cho phù hợp với nội dung mới.
Nhưng cần giảm thời gian của nội dung nào, trong 3.10 hay ngoài, trong chương III hay ngoài? Tăng thời lượng thì cần tăng bao nhiêu? Đồng thời, nên đưa xen ghép nội dung mới vào 3.10.1 và 3.10.2 hay soạn ra thành các mục mới?
Đây cũng là vấn đề cần phải làm rõ.
Có nên giao cơ sở đào tạo lái xe xây dựng?
Hai vấn đề cần làm rõ nêu trên đều nằm ngoài khả năng và thẩm quyền của cơ sở đào tạo lái xe. Đặc biệt là về thời lượng quy định.
Mặt khác, nếu các cơ sở đào tạo lái xe khác nhau xác định và thực hiện đào tạo khác nhau về nội dung và thời lượng “kỹ thuật lái xe trên cao tốc phân kỳ đầu tư” thì sẽ ra sao?
Thực tế là hiện nay chưa có cơ sở đào tạo lái xe nào tự biên soạn và ban hành giáo trình đào tạo lái xe riêng. Tất cả đều vẫn đang sử dụng bộ 5 cuốn giáo trình lý thuyết lái xe 2018 và tài liệu giảng dạy về phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông 2019 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Năng lực biên soạn, thẩm định, ban hành giáo trình của các cơ sở đào tạo lái xe vẫn đang còn là một dấu hỏi.
Do vậy, việc xây dựng “giáo trình kỹ thuật lái xe phù hợp” có nội dung “kỹ thuật lái xe trên cao tốc phân kỳ đầu tư” nên do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện, sử dụng chung trên toàn quốc. Hay ít nhất là có hướng dẫn cụ thể, chi tiết để thực hiện.